MỘT THỂ CHẾ MỚI CHO KINH TẾ TƯ NHÂN PHÁT TRIỂN
(Một tóm lược ngắn nhất về các điểm quan trọng trong Nghị Quyết và chương trình hành động phát triển KTTN của Quốc hội và chính phủ)
Như vậy chỉ trong chưa vòng đầy 1 tháng, từ Nghị quyết 68 của BCT thể hiện các tư tưởng đột phá trong phát triển kinh tế tư nhân, một bộ khung thể chế và chương trình hành động để phát triển KTTN đang dần được hoàn thiện đầy đủ. (Với NQ138, 139 của chính phủ và đặc biệt là NQ198 của QH)
Nói một cách ngắn gọn, đây là Thể chế sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, điểm hạn chế hàng chục năm nay, mở khoá và hỗ trợ cho sự phát triển của Doanh nghiệp, kiến tạo niềm tin kinh doanh. Nếu tóm lược thể chế mới này, có thể hệ thống hoá qua 2 phần.
A.CÁC ĐIỂM NGHẼN DAI DẲNG CỦA KINH TẾ TƯ NHÂN (KTTN)
Trong rất nhiều năm, KTTN ở trong tình trạng “không muốn lớn”, “không chịu lớn”.
Thuyền to thì sóng cả, dại gì mà làm lớn. Các điểm nghẽn chủ yếu bao gồm:
1. Môi trường pháp lý thiếu ổn định, rủi ro cao
Doanh nghiệp tư nhân thường xuyên đối mặt với thanh – kiểm tra chồng chéo, khó lường.
Sự lạm dụng quyền công vụ và nguy cơ hình sự hoá quan hệ kinh tế tạo ra tâm lý e ngại, thiếu niềm tin vào thể chế.
2. Tiếp cận đất đai, mặt bằng, tài sản công khó khăn
Thiếu quỹ đất dành riêng cho DN nhỏ, DN công nghệ, startup.
Quy trình đấu giá, xin thuê đất phức tạp, tốn kém, dễ bị trục lợi.
3. Thiếu công bằng trong tiếp cận nguồn lực
Nhiều chính sách, ưu đãi vẫn thiên về khối DNNN hoặc FDI, trong khi KTTN đóng góp trên 40% GDP nhưng lại nhận được ít hỗ trợ.
4. Không được tham gia sâu vào các dự án chiến lược quốc gia
Các gói thầu lớn, dự án hạ tầng trọng điểm chủ yếu do doanh nghiệp nhà nước hoặc đối tác nước ngoài nắm giữ.
5. Thiếu hỗ trợ về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và nâng tầm doanh nghiệp
Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chiếm hơn 95% nhưng thiếu năng lực quản trị, khó tiếp cận công nghệ, khó phát triển thành doanh nghiệp đầu đàn.
B. THỂ CHẾ MỚI GIẢI QUYẾT NHỮNG ĐIỂM NGHẼN NÀY NHƯ THẾ NÀO?
1. Gỡ rào pháp lý – Tạo niềm tin cho doanh nhân
Thể hiện rõ trong điều 4,5 NQ của Quốc Hội
- Giới hạn số lần thanh tra, kiểm tra còn 1 lần/năm.
- Áp dụng cơ chế hậu kiểm, ưu tiên xử lý dân sự, kinh tế trước khi hình sự.
- Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội, phân định rõ tài sản hợp pháp với tài sản vi phạm.
==> Ý NGHĨA : Giảm thiểu rủi ro pháp lý – yếu tố then chốt giúp tư nhân dám đầu tư dài hạn, dám đổi mới.
2. Khơi thông mặt bằng – Hạ chi phí cố định
Thể hiện rõ trong điều 7,8 NQ của Quốc Hội
- Các khu công nghiệp mới phải dành 5% quỹ đất hoặc 20ha cho DN công nghệ, khởi nghiệp thuê với mức hỗ trợ giá ≥30%.
- Hỗ trợ thuê đất, nhà xưởng từ tài sản công chưa sử dụng.
==> Ý NGHĨA : Giải quyết tận gốc rào cản chi phí mặt bằng – đặc biệt quan trọng với các DN sáng tạo còn non trẻ, giúp hiện thực hóa ý tưởng trong môi trường sản xuất cụ thể.
3. Ưu đãi tài chính – Giảm gánh nặng chi phí
Điều 9 & 10:
- Hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho các dự án xanh, tuần hoàn, ESG.
- Miễn thuế TNDN 2 năm, giảm 50% 4 năm tiếp theo cho DN đổi mới sáng tạo.
- Miễn thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia làm việc tại startup.
- Chấm dứt lệ phí môn bài từ 2026.
==> Ý NGHĨA : Tạo dư địa tài chính cho DN đầu tư đổi mới, đồng thời khuyến khích chuyên gia giỏi về làm việc cho khu vực tư nhân.
4. Mở rộng không gian tham gia các dự án lớn
Điều 11 & 14:
• Gói thầu dưới 20 tỷ dành riêng cho DN nhỏ và vừa.
• Tư nhân được tham gia dự án hạ tầng chiến lược bằng hình thức chỉ định thầu, đặt hàng, PPP.
==> Ý NGHĨA : Trao cơ hội để KTTN tham gia “sân khấu lớn” – vừa thúc đẩy nâng cao năng lực thi công, vừa thúc đẩy hình thành DN đầu đàn.
5. Đầu tư vào con người và năng lực doanh nghiệp
Điều 12 & 13:
• Doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập để lập quỹ R&D, được trừ 200% chi phí R&D khi tính thuế.
• Nhà nước đào tạo 10.000 CEO đến 2030, miễn phí phần mềm kế toán, tư vấn pháp lý, nhân sự cho DN nhỏ.
==> Ý NGHĨA : Cung cấp nền tảng tri thức và năng lực quản trị – yếu tố then chốt để các DN Việt Nam chuyển từ "tự phát" sang "bài bản".
6. Nâng tầm và quốc tế hoá doanh nghiệp tư nhân
Điều 15:
- Chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiên phong trong công nghệ, đổi mới, xanh hóa.
- Chương trình “Go Global” hỗ trợ doanh nghiệp vươn ra quốc tế.
==> Ý NGHĨA : Tạo hành lang để hình thành doanh nghiệp dẫn dắt ngành, từng bước nâng vị thế khu vực tư nhân Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Như vậy thông điệp xuyên suốt trong Thể chế mới này là: Doanh nhân là lực lượng kiến tạo phát triển, doanh nghiệp là nơi sản xuất ra của cải xã hội, thể chế sẽ phải khơi thông mọi nguồn lực để ai cũng tự tin làm giàu chính đáng cho mình, cho gia đình và đóng góp cho Việt Nam thịnh vượng.
Thể chế không còn là “rào cản”, “điểm nghẽn” mà phải là bệ đỡ, là môi trường để dẫn đường, bảo vệ, hỗ trợ những người làm ăn chân chính.
Phần còn lại sẽ là hành động của các doanh nghiệp, doanh nhân để thích ứng và tận dụng cơ hội lớn lao này, trong cuộc chuyển mình của Đất nước.