Phát triển dựa trên sự đổi mới sáng tạo nên Start-up luôn phải coi việc thu hút và sử dụng, gắn kết nhân sự giỏi là chìa khóa thành công. Bên cạnh công nghệ thì các cộng sự giỏi cùng nhau triển khai ý tưởng công nghệ, tung sản phẩm, dịch vụ ra thị trường và cạnh tranh thành công là điều bắt buộc với hầu hết Start-up. Trong điều kiện tài chính đầu tư ban đầu còn hạn chế và bản thân giải pháp tiền lương cao chưa tạo được động lực mạnh thì giải pháp chia sẻ tương lai của doanh nghiệp thông qua Chương trình Quyền chọn mua cổ phiếu (ESOP - Employee Stock Ownership Plan) được phần lớn các Start-up lựa chọn.
1. ESOP là gì?
Quyền mua cổ phiếu là quyền của cá nhân được mua cổ phiếu với giá ấn định trong một giai đoạn nhất định. Doanh nghiệp đãi ngộ nhân sự thông qua cam kết đồng ý bán cổ phiếu cho nhân sự trong tương lai với giá ấn định tại thời điểm cam kết.
Ví dụ, Start-up có thể cam kết với một nhân sự giỏi sẽ bán cho người đó 100 ngàn cổ phiếu với giá 10 ngàn đồng/cổ phiếu trong 5 năm tới nếu nhân sự này gắn bó và có đóng góp tốt cho doanh nghiệp. Sau này, nhân sự có quyền từ chối mua cổ phiếu nếu thấy không có lợi. Ngược lại, doanh nghiệp chỉ có quyền từ chối bán cổ phiếu cho nhân sự này nếu chứng minh được họ không hoàn thành các cam kết đã ký với doanh nghiệp theo Chương trình quyền chọn mua cổ phiếu.
Như vậy, trong tương lai Start-up cam kết sẽ bán cổ phiếu cho nhân sự, chứ không phải bán cổ phiếu của doanh nghiệp tại thời điểm hiện tại.
2. Quyền lợi đối với nhóm nhân viên tham gia
Quyền chọn mua cổ phiếu thường được áp dụng với một nhóm nhân sự chủ chốt, có ảnh hưởng lớn đến quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Khi tham gia Chương trình quyền chọn mua cổ phiếu, các nhân sự chủ chốt có cơ hội được trở thành chủ sở hữu của doanh nghiệp, hoặc tăng số cổ phiếu của mình lên khi doanh nghiệp thành công. Trên thực tế khi tham gia làm việc cho một Start-up, nhân sự chủ chốt có niềm tin vào sự thành công của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp thành công, giá trị của doanh nghiệp tăng lên rất cao. Khi đó giá trị cổ phiếu mà nhân sự chủ chốt được mua cũng có giá trị cao tương ứng. Như vậy, tham gia vào chương trình này, nhân sự chủ chốt được thụ hưởng thành quả; của doanh nghiệp và của sự nỗ lực bản thân.
Xem thêm: 7 nguyên tắc kinh doanh khởi nghiệp cần phá bỏ để thành công
3. Quyền lợi đối với doanh nghiệp
Với doanh nghiệp, chương trình quyền chọn mua cổ phiếu sẽ gắn kết nhân sự chủ chốt với doanh nghiệp, hạn chế tỷ lệ nghỉ việc, tạo động lực mạnh để nhân sự chủ chốt sáng tạo và cống hiến, bên cạnh đó cũng giảm được ngân sách dành cho quỹ lương trong những giai đoạn đầu khởi nghiệp.
Các nhà đầu tư cũng yên tâm hơn khi đầu tư vào những Start-up biết sử dụng công cụ này để đãi ngộ nhân sự. Tính bền vững và động lực làm việc của nhân sự chủ chốt là yếu tố chi phối đáng kể đến thành công của Start-up. Do vậy, nhà đầu tư thường yêu cầu Start-up phải áp dụng chương trình này khi tiếp nhận vốn đầu tư.
4. Một số hạn chế
Tuy nhiên, mô hình ESOP cũng có những hạn chế nhất định như chỉ có thể áp dụng đối với mô hình công ty cổ phần. Mặc dù các sáng lập viên của công ty cổ phần được tự do chuyển nhượng cho người không phải là thành viên sáng lập sau 3 năm mà không thể thực hiện khác dù điều lệ công ty có quy định khác. Tuy nhiên, một số Start-up cần thời gian nhiều hơn để Start-up ổn định. Hơn nữa, một khó khăn nữa mà các Start-up phải đối mặt khi phát hành quyền chọn mua là phải đáp ứng những điều kiện nhất định về phát hành chứng khoán theo quy định của luật chứng khoán.
Về pháp lý, giải pháp để đảm bảo ổn định nhân sự và tránh minh bạch hóa tài chính cho người góp vốn trong giai đoạn khởi nghiệp là chọn loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn. Đối với loại hình doanh nghiệp này, các sáng lập viên không được chuyển nhượng cho những người không phải là thành viên nếu không có sự đồng ý của các sáng lập viên còn lại (trừ một số trường hợp đặc biệt). Sau quá trình phát triển ổn định, có thể chuyển đổi mô hình này sang công ty cổ phần để huy động vốn rộng rãi.
5. Ba hình thức quyền chọn mua cơ bản
Tùy vào sự thỏa thuận giữa các sáng lập viên mà các Start-up thường thỏa thuận những cách thức chia cổ phiếu phổ biến như sau:
Thực hiện một lần (Cliff Vesting): doanh nghiệp cam kết sẽ bán cho nhân viên một lượng cổ phiếu nhất định với giá ấn định tại một thời điểm ấn định trong tương lai. Thường là sau 3 năm công tác hoặc cho mỗi giai đoạn 3 năm thâm niên làm việc tại doanh nghiệp; hoặc sau các nhiệm vụ quan trọng nào đó theo thỏa thuận.
Thực hiện có điều kiện (Performance Vesting): doanh nghiệp cam kết sẽ bán cho nhân viên cổ phiếu trong tương lai tùy thuộc vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao của nhân viên. Thành tích của nhân viên càng cao, số lượng cổ phiếu được mua càng lớn và ngược lại. Trong một số trường hợp, hợp đồng giao kết sẽ quy định cụ thể các điều kiện được mua, điều kiện không được mua...
Thực hiện theo giai đoạn (Phased Vesting): đây là hình thức phổ biến nhất. Nhân viên sẽ được mua cổ phiếu theo nhiều giai đoạn, thường là cho từng năm công tác tại doanh nghiệp. Với hình thức này, người lao động tích dần số cổ phiếu mình sở hữu qua các năm.
Xem thêm: CEO của 500 Startups: Tất cả người sáng lập thành công đều có hai điểm chung
Tham khảo ngay Bộ chương trình chuẩn phát triển Năng lực đội ngũ
Tham khảo khóa đào tạo “Hệ thống BSC - KPIs: Từ chiến lược đến quản trị hiệu quả công việc"
Lê Quân – Nguyễn Văn Lộc
Trích trong “Kỷ yếu ngày nhân sự Việt Nam 2016”
Tổng hợp và biên soạn bởi Học viện Quản trị HRD Academy
Bạn đang lãnh đạo một Doanh nghiệp phát triển? Bạn đang là Giám đốc Nhân sự? Bạn là người phụ trách công tác Đào tạo & Phát triển? Bạn cần một đối tác để phát triển năng lực tổ chức, năng lực đội ngũ? Bộ Chương trình huấn luyện đặc biệt được thiết kế dành riêng cho Doanh nghiệp của Bạn. Được thiết kế bởi các chuyên gia giữ vị trí Quản lý điều hành tại các Tập đoàn hàng đầu và Giảng viên quản trị công ty, Bộ chương trình chứa đựng các bài học kinh nghiệm thực tiễn và chuẩn mực quản trị hiện đại. Xem chi tiết tại ĐÂY