QUY TRÌNH VÀ CÔNG CỤ ĐO LƯỜNG HIỆU QUẢ ĐÀO TẠO
I - Quy trình
Để thực hiện đo lường tác động & hiệu quả học tập, cần thực hiện 4 bước dưới đây:
- Bước 1: Lập kế hoạch đo lường
Trong bước này, cần xác định rõ yêu cầu đo gì, phạm vi (số mẫu) cần đo, các bên liên quan đến việc đo (bản thân học viên, lãnh đạo trực tiếp, đồng nghiệp, khách hàng của học viên), phương thức đo, ngưỡng “đạt” và các biểu mẫu sẽ sử dụng, mẫu báo cáo.
- Bước 2: Triển khai đo lường
Thực hiện hoạt động đo, có thể là khảo sát kiến thức, quan sát thực tiễn biểu hiện hành vi, bài tập mô phỏng, phỏng vấn thái độ… để có những dữ liệu sơ cấp (primary data) và nghiên cứu các báo cáo/tài liệu đã có sẵn dưới dạng dữ liệu thứ cấp (secondary data).
- Bước 3: Phân tích dữ liệu
Dữ liệu thu được cần phân tích theo nhiều chiều để tìm ra sự thật. Cần lưu ý phân tích các yếu tố: điểm trung bình (mean) của 1 tiêu chí, độ phân tán của điểm số quanh giá trị trung bình (phương sai), diễn biến của dữ liệu theo thời gian, sự khác biệt của dữ liệu theo không gian (các địa điểm khác nhau), mối tương quan (thuận/nghịch) giữa các chỉ số …
Trong bước này, người làm L&D cần có chút kiến thức môn phân tích thống kê.
- Bước 4: Báo cáo kết quả
Từ những dữ liệu thu được, người làm L&D so sánh và đưa ra nhận định về việc thực hiện, chỉ số nào “đạt”, kết quả như vậy đã yên tâm được chưa, cần điều chỉnh gì để giảm rủi ro và tăng hiệu quả học tập nếu được làm lại.
II - Công cụ
Tương ứng với mục tiêu đo và cấp độ, các công cụ thường dùng trong đo lường tác động & hiệu quả học tập được mô tả trong hình dưới đây:
Cấp độ 1: Đánh giá mức độ hài lòng của học viên bằng phiếu khảo sát
3 câu hỏi quan trọng cần trả lời trong Cấp độ 1:
- Học viên có thích chương trình không?
- Học viên có thích giảng viên không?
- Học viên có thích không khí & điều kiện học tập không?
Điểm cần lưu ý khi đánh giá Cấp độ 1:
- Làm rõ mục tiêu khảo sát là để lấy được đánh giá “thật lòng”
- Phiếu khảo sát được thiết kế tốt: ngắn gọn, rõ ràng, phần đánh giá bằng số có mô tả định nghĩa về thang đo (thế nào là 1, thế nào là 5), khuyến khích viết nhận xét & gợi ý cải thiện
- Cần thực hiện đánh giá ngay tại thời điểm kết thúc chương trình/khóa học, ép thời hạn hoàn thành phiếu khảo sát max 5 phút.
Trong thiết kế phiếu khảo sát, một sai lầm thường gặp là đòi nhiều thông tin từ học viên. Thực tế, theo tâm lý học hành vi, một bản khảo sát dài quá 1 trang màn hình máy tính hoặc 1 tờ A4 thường không thu được đánh giá thật lòng.
Cấp độ 2: Đánh giá sự thay đổi của thái độ, kiến thức, kỹ năng bằng bài kiểm tra, bài thi
3 câu hỏi quan trọng cần trả lời trong Cấp độ 2:
- Kiến thức nào mới được biết/hiểu?
- Kỹ năng nào được rèn hay cải thiện?
- Thái độ nào đã được thay đổi?
Một số điểm cần lưu ý:
- Đo lường kiến thức: test mức độ biết, hiểu
- Đo lường kỹ năng: diễn vai tình huống
- Đo lường thái độ: phỏng vấn, thông tin trong bản kế hoạch hành động
- Đánh giá bằng hội đồng (nếu có thể)
- Cần thực hiện đo trước và sau đào tạo để tìm ra sự chênh lệch.
Thiết kế bài kiểm tra, bài thi là công việc đòi hỏi tư duy, kinh nghiệm ở cấp độ chuyên gia. Bài kiểm tra, bài thi cũng cần được thử nghiệm, hiệu chỉnh trước chính thức đưa vào sử dụng. Thực tế đáng báo động là ở nhiều công ty, công việc cần chất xám nhất này đang được giao cho người chưa giỏi, thiếu sự kiểm soát dẫn đến kết quả sai lệch, hệ quả là đo còn tệ hại hơn là không đo.
Cấp độ 3: Đánh giá sự thay đổi hành vi (KBIs – Key Behaviour Indicators) qua Quan sát & Đánh giá hiện trường
3 câu hỏi quan trọng cần trả lời trong đánh giá Cấp độ 3:
- Hành vi nào được chuyển từ môi trường học vào trong môi trường công việc?
- Hành vi nào đã thể hiện trong môi trường học nhưng không thể hiện trong môi trường công việc?
- Điều gì “ngăn cản” hoặc “thúc đẩy” học viên ứng dụng hành vi đã có trong môi trường học vào công việc?
Một số lưu ý trong đánh giá cấp độ 3:
- Cho học viên có thời gian để thay đổi và vận dụng vào công việc
- Xem xét yếu tố bối cảnh khi hành vi thể hiện, lặp lại hoạt động đo lường nếu cần thiết
- Đo lường nhiều chiều: khảo sát/phỏng vấn cấp trên, cấp dưới, và những người liên quan trực tiếp đến học viên trong công việc
- So sánh giữa học viên và nhóm không là học viên
Cấp độ 4: Đánh giá sự thay đổi kết quả thông qua Các chỉ số kinh doanh vận hành
Đo lường sự thay đổi kết quả dựa trên các yếu tố như: xác định mức độ ảnh hưởng của học tập tới các kết quả kinh doanh, vận hành của bộ phận, công ty; đánh giá doanh số/ năng suất/ chất lượng/ thời gian phục vụ/ kiểm soát chi phí/ độ hài lòng của nhân viên/ độ hài lòng của khách hàng…
***Một số lưu ý khi triển khai cấp độ 4
- Cần một thời gian để các kết quả kinh doanh, vận hành hiển thị sau khi học viên kết thúc chương trình học
- So sánh các chỉ số kết quả kinh doanh, vận hành trước và sau khi học viên tham gia học
- So sánh kết quả giữa học viên và nhóm đối tượng không là học viên
- Xem xét yếu tố bối cảnh, phân tích tác động của các yếu tố khác ‘rào cản’ và ‘xúc tác’
Để đánh giá được cấp độ này, người làm L&D ngoài việc giỏi nghề đào tạo phải có hiểu biết về kinh doanh, vận hành.
Cấp độ 5: Đánh giá hiệu quả đầu tư thông qua ROI
Từ kết quả đánh giá Cấp độ 4, việc đánh giá hiệu quả đầu tư khá đơn giản. Chỉ cần tính tổng các lợi ích chương trình mang lại cho tổ chức – các chi phí trực tiếp và gián tiếp của Chương trình đào tạo, ROI (Return On Investment) là khả năng sinh lời của 1 đồng vốn đầu tư cho đào tạo.
----------------------------------------------------
Giải pháp đào tạo HRD Live-Learning
Giải pháp đào tạo HRD Inhouse
Bài viết tham khảo: Tổ chức và triển khai đào tạo hiệu quả
Bài viết tham khảo: Đo lường tác động và hiệu quả Đào tạo
Bạn đang lãnh đạo một Doanh nghiệp phát triển? Bạn đang là Giám đốc Nhân sự? Bạn là người phụ trách công tác Đào tạo & Phát triển? Bạn cần một đối tác để phát triển năng lực tổ chức, năng lực đội ngũ? Bộ Chương trình huấn luyện đặc biệt được thiết kế dành riêng cho Doanh nghiệp của Bạn. Được thiết kế bởi các chuyên gia giữ vị trí Quản lý điều hành tại các Tập đoàn hàng đầu và Giảng viên quản trị công ty, Bộ chương trình chứa đựng các bài học kinh nghiệm thực tiễn và chuẩn mực quản trị hiện đại. Xem chi tiết tại ĐÂY