Trong hoàn cảnh nền kinh tế bị khủng hoảng, đồng thời với việc sa thải nhân viên cũ không đáp ứng được yêu cầu công việc, các công ty quan tâm đến việc tuyển chọn người tài của các đối thủ cạnh tranh.
Việc lôi kéo người tài của đối thủ cạnh tranh đòi hỏi các công ty phải cẩn trọng và có chiến thuật khéo léo, nếu không có thể bị mang tiếng xấu là cạnh tranh không lành mạnh, trường hợp tệ nhất là có bị kiện ra tòa vì vi phạm luật hoặc các thỏa thuận chung giữa các doanh nghiệp trong ngành. Các chuyên gia đưa ra một số lời khuyên dưới đây giúp các doanh nghiệp giảm thiểu những rủi ro nói trên.
1.Tiếp cận khôn khéo
Nếu doanh nghiệp có đủ kinh phí thì nên sử dụng dịch vụ của các công ty tìm kiếm và tuyển dụng nhân tài chuyên nghiệp để tránh bị mang tiếng về sau. Công ty tuyển dụng chuyên nghiệp biết cách sử dụng chiến thuật tiếp cận người tài rất khéo léo. Thông thường, ban đầu họ nói chuyện với đối tượng ấy về một cơ hội, nhưng không tiết lộ tên của doanh nghiệp cần tuyển dụng và cứ vận động từng bước cho đến khi cuốn hút được người đó.
2.Tìm hiểu kỹ ứng viên
Có lẽ điều quan trọng nhất cần phải cân nhắc là liệu người tài mà doanh nghiệp đang đưa vào “tầm ngắm” có xứng đáng không, có bù đắp được những hậu quả mà doanh nghiệp có thể gặp phải do đối thủ cạnh tranh bị mất người tài gây ra. Bên cạnh việc điều tra, xác minh rằng đó là nhân tài thật sự, doanh nghiệp còn phải giúp chính anh ta nói ra duyên cớ nhảy việc theo ý định của bản thân, chứ không phải do sự lôi kéo của ai khác.
3. Để ý đến những rắc rối về mặt pháp lý
Nếu người tài mà doanh nghiệp đang định lôi kéo từ đối thủ cạnh tranh đúng là người mà doanh nghiệp đang cần và doanh nghiệp muốn trao đổi với họ sâu hơn về việc gia nhập công ty thì bước tiếp theo nên làm là tìm hiểu xem họ có bị ràng buộc (qua thỏa thuận lao động) với công ty đang làm việc không. Cũng nên tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia luật để tránh những rắc rối sau này.
4.Thẳng thắn trao đổi với người tài về kỳ vọng của doanh nghiệp
Khi các bước trên đều ổn thỏa thì vấn đề còn lại là doanh nghiệp có đủ sức thu hút người tài hay không. Vì vậy, đừng quên nói thẳng với ứng viên về những khía cạnh tích cực, những điểm mạnh, cũng như những tồn tại, khó khăn và thách thức của doanh nghiệp.
Sau đó, nên đặt vấn đề sâu hơn, nói rõ doanh nghiệp kỳ vọng ở người tài giúp giải quyết vấn đề gì, ở khâu nào. Phải làm cho người tài thấy được cơ hội mà doanh nghiệp sắp đem đến sẽ tốt hơn nhiều so với hoàn cảnh làm việc hiện tại của người ấy. Nên nhớ rằng sức hút của doanh nghiệp không đơn giản chỉ là vấn đề tiền lương, tiền thưởng. Thực tế cho thấy nhiều người tài thích được làm việc trong môi trường thuận lợi, được thường xuyên quan tâm, động viên để phát huy được năng lực của bản thân.
5. Cẩn trọng với đối thủ cạnh tranh
Cuối cùng, nên nhớ rằng đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp cũng có thể làm điều tương tự, nghĩa là họ sẽ lôi kéo người tài của chính doanh nghiệp đang “săn đầu người”. Vì vậy, vẫn cần phải quan tâm đến những nhân viên hiện tại và đối xử với họ tốt không kém những người mới.
Xem thêm: Quản trị nhân sự, nên sử dụng "cây gậy" hay "củ cà rốt"?
Nguồn: Internet
Tổng hợp và biên soạn bởi Học viện Quản trị HRD Academy
Bạn đang lãnh đạo một Doanh nghiệp phát triển? Bạn đang là Giám đốc Nhân sự? Bạn là người phụ trách công tác Đào tạo & Phát triển? Bạn cần một đối tác để phát triển năng lực tổ chức, năng lực đội ngũ? Bộ Chương trình huấn luyện đặc biệt được thiết kế dành riêng cho Doanh nghiệp của Bạn. Được thiết kế bởi các chuyên gia giữ vị trí Quản lý điều hành tại các Tập đoàn hàng đầu và Giảng viên quản trị công ty, Bộ chương trình chứa đựng các bài học kinh nghiệm thực tiễn và chuẩn mực quản trị hiện đại. Xem chi tiết tại ĐÂY