Có một quan niệm sai lầm mà rất nhiều người khi mới giữ vị trí lãnh đạo rất dễ mắc phải, đó là “quyền lực luôn đi cùng tầm ảnh hưởng”. Theo quan điểm của John Maxwell, có 5 cấp độ lãnh đạo: Cấp độ 1: Mọi người nghe bạn vì họ phải làm thế; Cấp độ 2: Mọi người nghe bạn vì họ muốn thế; Cấp độ 3: Mọi người nghe bạn vì những gì bạn đã làm cho công ty; Cấp độ 4: Mọi người nghe bạn vì những gì bạn đã làm cho họ; Cấp độ 5: Mọi người nghe bạn vì con người bạn và những gì bạn thể hiện. Và chỉ khi ở cấp độ 5, bạn mới thực sự trở thành người lãnh đạo có sức ảnh hưởng. Bạn có thể có chức danh, có quyền quyết định, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc nhân viên sẽ tin tưởng và hoàn toàn tôn trọng bạn. Trên thực tế, nhân viên thậm chí còn không thể có thiện cảm với bạn trừ khi bạn tương tác nhiều hơn với họ.
Để có được lòng trung thành của nhân viên, bạn cần đầu tư khá nhiều thời gian và công sức vì điều này thực sự sẽ mang lại rất nhiều lợi thế cho công việc sau này: khi nhân viên tin tưởng lãnh đạo của mình hơn, họ sẽ sẵn sàng nỗ lực và triển khai mọi đầu việc khi được yêu cầu. Và dưới đây là 10 cách để xây dựng lòng tin và tầm ảnh hưởng được đề xuất bởi Forbes Coaching Council mà các nhà quản lý không nên bỏ qua:
1. Quyết đoán và rõ ràng
Phong cách làm việc minh bạch với tâm thế quyết đoán sẽ khiến các nhân viên cảm thấy tin tưởng hơn, từ đó dễ dàng xây dựng tầm ảnh hưởng hơn. Mỗi nhân viên đều kỳ vọng ở nhà lãnh đạo những lịch trình rõ ràng, cụ thể trong công việc, và cũng sẽ đánh giá cao một lãnh đạo sẵn sàng đứng lên bảo vệ các quan điểm có triển vọng, cho dù đôi khi những quan điểm đó sẽ khá lạ lẫm.
2. Nếu muốn nhân viên theo bạn, hãy nói rõ lý do vì sao họ cần làm thế
Để trở thành một lãnh đạo được tôn trọng, trước hết bạn cũng cần thể hiện rõ khả năng của mình, khẳng định vì sao bạn xứng đáng trở thành người đứng đầu, xứng đáng là người dẫn dắt một tập thể, một tổ chức. Bạn sẽ chọn trở thành một nhà lãnh đạo dễ chịu, tâm lý hay một nhà lãnh đạo nghiêm khắc – người sẽ liên tục thúc đẩy và mang đến cho nhân viên cơ hội phát triển trong nghề nghiệp? Nếu bạn truyền đạt được những lợi ích bạn có thể đem lại trên cương vị người đứng đầu, nhân viên sẽ đưa ra được những quyết định riêng và tự điều chỉnh bản thân sao cho phù hợp. Không có ai là nhà lãnh đạo lý tưởng, điều quan trọng hơn cả chính là sự phù hợp giữa những gì lãnh đạo làm được và kỳ vọng của một nhân viên.
Xem thêm: 8 sách lược để đào tạo và phát triển nhân sự xuất sắc
3. Lãnh đạo tạo kết quả
Chỉ tập trung vào việc làm thế nào để được yêu quý không phải tất cả những gì bạn cần làm để đứng vững trên cương vị người lãnh đạo. Để được tôn trọng và nể phục, bản thân bạn phải đạt được những thành quả cao trong công việc. Hãy xác định sứ mệnh, vạch rõ mục tiêu và mục đích không chỉ cho bạn mà cho cả những nhân viên mà bạn đang quản lý. Liên tục tạo ra môi trường học hỏi, kết nối cũng như thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng công việc sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định kịp thời. Làm được điều này, các nhân viên chắc chắn sẽ yêu quý và tôn trọng bạn hơn.
4. Thẳng thắn chia sẻ về lý do cho các quyết định của bạn
Trong nghệ thuật lãnh đạo, duy trì sự tương tác, gắn kết là điều vô cùng quan trọng. Mỗi nhân viên đều mong muốn hiểu được ý nghĩa của những việc lãnh đạo đang làm, chỉ có như vậy thì họ mới có thể xác định được xem cần làm gì để góp phần giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu chung. Do vậy, việc chia sẻ thẳng thắn đóng một vai trò thiết yếu trong gắn kết tổ chức. Trong khi chia sẻ, bạn cần trả lời được hai câu hỏi lớn sau: Tại sao bạn lại quyết định hành động như vậy? Tại sao việc bạn làm sẽ mang lại kết quả tích cực cho doanh nghiệp?
5. Tập thói quen quan sát tinh tế
Những nhà lãnh đạo thực thụ thường rất coi trọng ý kiến của các nhân viên. Xét cho cùng, những việc như vậy đều nhằm đạt được những kết quả chung cho toàn doanh nghiệp. Và bởi thế, trong lúc lắng nghe ý kiến, đừng chỉ tập trung vào ngôn từ và nội dung, bạn hãy quan sát nhiều hơn cả biểu cảm, thái độ của các nhân viên. Chỉ có như vậy, bạn mới có thể cảm nhận được ý kiến của họ một cách chính xác và chân thành, chân thực nhất.
6. Xác định tầm nhìn chung và truyền cảm hứng
Nếu bạn muốn được nhân viên tôn trọng, bạn cần phải làm rõ cho họ biết rằng bạn đang theo đuổi điều gì, mục tiêu gì, sứ mệnh nào. Đâu là tầm nhìn của bạn? Đâu là cái đích cuối cùng mà bạn đang nhắm đến? Tại sao điều này lại quan trọng với công ty? Tại sao những thứ như vậy lại đáng giá hơn rất nhiều so với số tiền lương đơn thuần mà nhân viên nhận được mỗi tháng? Bạn hy vọng gặt hái được những gì khi có một đội ngũ nhân viên như vậy? Tại sao bạn xứng đáng được đứng ở vị trí dẫn đầu. Nếu bạn có thể trả lời những câu hỏi tương tự, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn để đảm nhận vai trò lãnh đạo.
Xem thêm: Làm sao để xây dựng sự đồng thuận trong đội nhóm?
7. Xin lời khuyên nếu cần thiết
Thay vì tự mình đưa ra những dự đoán mà không biết đúng sai thế nào, hãy hỏi những người xung quanh xem họ đánh giá ra sao về bạn. Hãy đặt các câu hỏi càng cụ thể càng tốt, và tất nhiên phải liên quan trực tiếp đến câu trả lời mong muốn của bạn. Ví dụ như sau một cuộc họp, bạn có thể nhờ nhân viên tư vấn xem liệu bạn có cần thay đổi, cải thiện điều gì để trở thành một lãnh đạo tốt hơn? Có thể bạn sẽ nhận được những câu trả lời bất ngờ, có thể không, nhưng điều này đơn giản sẽ là một cách để bạn gián tiếp nói với nhân viên rằng: Bạn luôn nỗ lực để trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc, và ý kiến đóng góp của nhân viên chính là nguồn tham khảo vô giá.
8. Khuyến khích nhân viên cùng tìm giải pháp
Hãy làm việc nhóm cùng mọi người. Mỗi nhân viên bạn đang lãnh đạo đều là một nguồn tài nguyên vô giá. Hãy tư vấn cho họ, và cùng họ sáng tạo ra những phương án giải quyết tối ưu nhất. Trước hết, hãy đặt ra những tiêu chuẩn mà bạn mong muốn. Sự giúp đỡ của nhân viên sẽ tiếp thêm rất nhiều sức mạnh cho bạn. Hãy tiếp thu các ý kiến, tổng hợp và sàng lọc kỹ càng. Khi mỗi nhân viên cảm thấy họ được trực tiếp đóng góp vào những quyết định quan trọng, họ sẽ cảm thấy mình được tôn trọng và sẵn sàng hơn, nhiệt tình hơn trong quá trình làm việc.
9. Trở thành nhà lãnh đạo phụng sự
Thay vì chỉ chú trọng vào việc bạn có được yêu quý hay không, có được tôn trọng hay không, hãy quan tâm nhiều hơn đến việc bản thân bạn đang đóng góp những gì cho tổ chức, và những đóng góp ấy có vai trò ra sao trong hiệu quả công việc mà cả nhóm của bạn đã đạt được. Hãy quan tâm xem mỗi nhân viên của bạn học được những gì, phải hy sinh những gì và hiện họ đang phải đối mặt với những khó khăn nào. Hãy hỏi xem họ cần gì để có thể phát huy hết khả năng của mình, và cân nhắc xem liệu bạn có thể hỗ trợ họ không. Những thay đổi trong suy nghĩ, định hướng của mỗi nhân viên cuối cùng sẽ đem đến những khác biệt lớn trong kết quả mà doanh nghiệp đạt được.
10. Hãy chân thật
Bạn cần phải thể hiện đúng về bản thân của mình. Nếu bạn cố gắng che giấu để trở thành hình mẫu mà bạn mong muốn, bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc được. Hãy đặt nhiệm vụ và các yêu cầu cần thiết cho công việc lên đầu, quyết định xem tổ chức của bạn cần gì để đạt được mục tiêu, quan tâm tới kết quả công việc thay vì chỉ chú ý đến thái độ nhân viên.
Xem thêm: 4 lưu ý để đào tạo nên những lãnh đạo xuất chúng nhất cho tổ chức
Nguồn: Forbes
Tổng hợp và biên soạn bởi Học viện Quản trị HRD Academy
Bạn đang lãnh đạo một Doanh nghiệp phát triển? Bạn đang là Giám đốc Nhân sự? Bạn là người phụ trách công tác Đào tạo & Phát triển? Bạn cần một đối tác để phát triển năng lực tổ chức, năng lực đội ngũ? Bộ Chương trình huấn luyện đặc biệt được thiết kế dành riêng cho Doanh nghiệp của Bạn. Được thiết kế bởi các chuyên gia giữ vị trí Quản lý điều hành tại các Tập đoàn hàng đầu và Giảng viên quản trị công ty, Bộ chương trình chứa đựng các bài học kinh nghiệm thực tiễn và chuẩn mực quản trị hiện đại. Xem chi tiết tại ĐÂY