Tuyển được một nhân tài không phải là điều dễ dàng, nhưng khó khăn không kém chính là làm sao để họ gắn bó lâu dài với tổ chức. Nếu như doanh nghiệp không liên tục đầu tư cho việc đào tạo nhân viên, không giúp họ phát huy được hết khả năng của mình thì mọi nỗ lực tìm và giữ chân nhân tài sẽ quay về con số 0. Đa số doanh nghiệp đều hiểu được tầm quan trọng của phát triển đội ngũ, tuy nhiên lại chưa có nhiều tổ chức đạt được những bước tiến đáng ghi nhận và giải quyết triệt để được vấn đề này.
Dưới đây là 8 cách được chuyên gia từ Forbes chia sẻ để phát triển nhân viên, giữ chân nhân tài và tăng khả năng họ gắn bó lâu dài với tổ chức:
1. Vạch rõ lộ trình phát triển cá nhân
Bước đầu tiên luôn luôn là lên kế hoạch. Bạn cần dành ra một khoảng thời gian ngồi cùng các nhân viên của mình, cùng họ thảo luận về sở thích cũng như mục tiêu nghề nghiệp mà mỗi cá nhân đang hướng tới. Những cuộc trò chuyện như thế này có ảnh hưởng rất lớn trong việc xác định được các hoạt động sắp tới mà mỗi nhân viên cũng như tổ chức cần làm để đảm bảo được lộ trình phát triển diễn ra suôn sẻ nhất. Thực chất, không phải ai cũng có mục tiêu rõ ràng hãy quan điểm nhất quán về mục tiêu nghề nghiệp. Do vậy, lộ trình phát triển cần cung cấp cho các nhân viên một khung đo lường và một khoảng thời gian cố định đối với mỗi mục tiêu. Dành thời gian thảo luận chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho cả đôi bên.
2. Thường xuyên cung cấp thông tin về hiệu suất làm việc
Cần có những thước đo, số liệu cụ thể để mỗi nhân viên hiểu được khả năng của chính họ tại thời điểm hiện tại, từ đó có phương hướng cải thiện khuyết điểm hay phát huy thế mạnh một cách đúng đắn. Cũng giống như một vận động viên chạy Marathon, anh ta sẽ chọn những quãng đường ngắn hơn trước, và dần dần tăng cường sức khỏe, nâng cao sức bền và độ dẻo dai để đạt được mục tiêu mong muốn. Hơn nữa, những số liệu cụ thể này không chỉ chỉ ra khả năng hiện tại, mà còn đo lường được tiến độ phát triển của mỗi nhân viên để cá nhân cũng như doanh nghiệp có phương án điều chỉnh phù hợp ngay khi cần thiết.
3. Tạo cơ hội phát triển ở mọi lĩnh vực
Mức độ chuyên môn hóa tại đa số các doanh nghiệp hiện nay đều đang đạt mức tương đối cao, vậy nên đội ngũ nhân viên thường chỉ tập trung phát triển chuyên môn trong một lĩnh vực nhất định. Tuy nhiên, để phát triển lên một vị trí cao hơn, nhân viên cần có cái nhìn tổng thể về mọi hoạt động trong doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp hãy tạo cơ hội cho nhân viên thử sức ở các lĩnh vực mới mẻ hơn. Quá trình đào tạo chéo sẽ nhanh chóng nâng cao cả kiến thức chuyên môn lẫn kiến thức về tổ chức, từ đó mang lại cho họ một tầm nhìn hoàn toàn mới. Những tình huống hoàn toàn lạ lẫm, những thử thách chưa từng trải qua ở một lĩnh vực chưa từng đảm nhẫn thật sự sẽ là một bài kiểm tra hoàn hảo. Loại hình phát triển này cũng kích thích tinh thần, năng lượng, giúp nhân viên hào hứng hơn trong công việc.
Xem thêm: Tại sao đào tạo phải là "quốc sách của doanh nghiệp"?
4. Đưa ra những nhận xét hữu ích
Nhận xét không phải là những đánh giá mang tính phê bình hay chỉ trích. Thay vào đó, chúng cần thể hiện được thiện chí của người đánh giá, đảm bảo được tính thực tế và bao gồm những lời gợi ý, lời khuyên hữu ích về lộ trình phát triển của mỗi cá nhân. Những lời nhận xét cũng cần phải dựa trên những số liệu cụ thể để đảm bảo độ chính xác và tính tin cậy. Mỗi nhân viên đều muốn biết hiệu suất làm việc của mình, do đó nếu sử dụng đúng cách, những công cụ đo lường hiệu suất làm việc phù hợp sẽ tạo ra những thay đổi tích cực không ngờ.
5. Xóa bỏ rào cản
Nhiều tổ chức đang khá cứng nhắc trong quy trình vận hành doanh nghiệp, gây ra những khó khăn trong việc triển khai việc đào tạo chéo, v.v… từ đó vô tình làm giảm sút các kỹ năng mềm hay sự linh hoạt trong công việc của nhân viên. Những người lãnh đạo thực thụ cần xóa bỏ mọi rào cản này, xây dựng hệ thống học tập và phát triển lý tưởng và khuyến khích nhân viên liên tục thử sức.
6. Giúp kết nối đến cộng đồng chuyên gia
Hãy giúp nhân viên kết nối và giới thiệu họ với những chuyên gia trong lĩnh vực – những người thầy có thể dẫn dắt, định hướng, tư vấn cho họ, hay tạo điều kiện để nhân viên tham gia các khóa đào tạo, đăng ký những buổi hội thảo hay những sự kiện phù hợp. Việc học hỏi trong quá trình xây dựng mối quan hệ sẽ mang đến những kinh nghiệm quý giá, giúp nhân viên luôn trong tâm thế sẵn sàng và có đủ kiến thức để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong khi làm việc.
7. Liên tục đầu tư thêm vào đào tạo và phát triển
Mỗi tổ chức khi tuyển dụng và đào tạo một nhân viên đều hy vọng đây là khoản đầu tư sinh lời trong tương lai. Các hoạt động đào tạo và phát triển cụ thể như huấn luyện, các khóa học online hay tư vấn, định hướng cá nhân đều cần tổ chức đầu tư một khoản tiền lớn. Tuy nhiên, việc liên tục phát triển nhân lực rõ ràng sẽ mang lại những thay đổi đáng kể, giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu chung, còn cá nhân cũng sẽ hoàn thành những dự định, lộ trình phát triển đã đề ra khi họ chọn gắn bó với tổ chức.
8. Lãnh đạo là tạo gương
Một nhân viên sẽ được truyền động lực phát triển từ chính hình ảnh thành công của người đang lãnh đạo họ. Nếu thấy lãnh đạo hiện tại đang tiếp tục phát triển cá nhân và đạt được những thành công mong đợi, bản thân họ cũng tự thôi thúc mình nỗ lực trên lộ trình phát triển bản thân. Hãy để nhân viên cảm nhận được rằng: phát triển chính là một phần văn hóa của công ty. Hãy đưa thông điệp này lan tỏa và giúp nhân viên cố gắng hơn, nhiệt huyết hơn, có ý thức nuôi dưỡng, trau dồi những khả năng tiềm tàng của họ.
Tám chiến lược phát triển nhân viên trên có thể được áp dụng đối với bất kỳ tổ chức nào. Chúng giúp các lãnh đạo định hình tốt hơn về vai trò của mình cũng như vai trò của mô hình đào tạo phù hợp trong mỗi doanh nghiệp. Cho dù áp dụng tất cả hay chỉ chọn một vài trong số các chiến lược nói trên, điều quan trọng nhất vẫn là sự nhất quán, xuyên suốt trong cách truyền thông nội bộ để mỗi nhân viên hiểu được những nỗ lực và thiện chí của tổ chức không chỉ trong việc phát triển toàn thể mà còn là phát triển mỗi cá nhân.
Xem thêm: 10 lời khuyên đắt giá để trở thành lãnh đạo xuất chúng
Nguồn: Forbes
Tổng hợp và biên soạn bởi Học viện Quản trị HRD Academy
Bạn đang lãnh đạo một Doanh nghiệp phát triển? Bạn đang là Giám đốc Nhân sự? Bạn là người phụ trách công tác Đào tạo & Phát triển? Bạn cần một đối tác để phát triển năng lực tổ chức, năng lực đội ngũ? Bộ Chương trình huấn luyện đặc biệt được thiết kế dành riêng cho Doanh nghiệp của Bạn. Được thiết kế bởi các chuyên gia giữ vị trí Quản lý điều hành tại các Tập đoàn hàng đầu và Giảng viên quản trị công ty, Bộ chương trình chứa đựng các bài học kinh nghiệm thực tiễn và chuẩn mực quản trị hiện đại. Xem chi tiết tại ĐÂY