Mô hình ADDIE trong Đào tạo doanh nghiệp

Mô hình ADDIE đuợc xây dựng & phát triển từ năm 1970 - là một mô hình được sử dụng bởi các nhà thiết kế các chương trình đào tạo. Quy trình này bao gồm năm giai đoạn: Analysis (Phân tích), Design (Thiết kế), Development (Phát triển), Implementation (Thực thi) và Evaluation (Đánh giá). Hiện nay, ADDIE vẫn đang là một trong những mô hình được sử dụng nhiều nhất để hoạch định & xây dựng chương trình đào tạo bởi tính đơn giản và hiệu quả của nó.

Các giai đoạn của mô hình ADDIE

Trong mô hình này, từng bước sẽ có kết quả đầu ra đóng vai trò là nguồn lực đầu vào của bước tiếp theo.

Giai đoạn 1: Analysis - Phân tích

Trong bước đầu tiên này, vấn đề cần được đào tạo phải được làm rõ, mục tiêu đào tạo cần được thiết lập & các yếu tố khác như: môi trường học tập, những kiến thức, kỹ năng sẵn có của người học cần được xác định rõ ràng.

- Phân tích nhu cầu đào tạo TNA

Việc phân tích nhu cầu đào tạo TNA sẽ diễn ra theo 3 cấp độ: phân tích tổ chức, phân tích phòng ban và phân tích cá nhân. Người làm công tác đào tạo sẽ sử dụng các phương thức phân tích qua thông tin, số liệu, bảng hỏi, phỏng vấn hoặc quan sát để đưa ra bảng tổng hợp kết quả trước đào tạo. Mục tiêu cuối cùng của hoạt động này là tìm ra nhu cầu hiện tại với tính hữu ích cao đối với học viên.

- Phân tích đối tượng và mục tiêu

Công cụ thường được sử dụng nhất để phân tích đối tượng và mục tiêu là mô hình SWOT.

- Phân tích môi trường

Người làm công tác đào tạo có thể ứng dụng mô hình PEST để phân tích các bối cảnh về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội.

Dưới đây là một số câu hỏi cần được làm rõ trong suốt giai đoạn Phân tích:

- Why? (Tại sao cần tổ chức hoạt động đào tạo nhân viên?)

- Who? (Ai tham gia vào hoạt động đào tạo)

- What? (Cần tổ chức đào tạo về nội dung nào?)

- When? (Khi nào thì tổ chức hoạt động đào tạo để mang lại kết quả tốt nhất?)

- Where? (Tổ chức hoạt động đào tạo ở đâu)

- How? (Tổ chức hoạt động tại doanh nghiệp như thế nào?)

Sau khi đã phân tích được đủ 3 cấp độ trước đào tạo, bộ phận L&D sẽ xác định được những kiến thức, kỹ năng và khả năng của đối tượng đào tạo, từ đó xây dựng những chương trình đào tạo, huấn luyện phù hợp để có được kết quả tốt nhất sau đào tạo.

-> Tham khảo Hướng dẫn Phân tích nhu cầu & Lập kế hoạch đào tạo tại đây

Giai đoạn 2: Design - Thiết kế

Đây là bước mà bộ phận L&D cần giải quyết liên quan đến mục đích, công cụ đánh giá, bài tập, nội dung, phân tích vấn đề, thiết kế bài học và lựa chọn phương tiện truyền thông. Từ những khoảng trống năng lực đã được làm rõ ở giai đoạn phân tích, các vấn đề sẽ được chia thành 2 nhóm:

- Các vấn đề liên quan đến nội dung đào tạo: thiếu hụt về kiến thức chuyên môn, kỹ năng của công việc.

- Vấn đề liên quan đến thái độ, thiếu nhân lực, quan hệ với đồng nghiệp, chế độ đãi ngộ…

Với các vấn đề liên quan đến đào tạo, bộ phận L&D sẽ tiến hành các chiến lược, phân tích nhiệm vụ và thiết lập mục tiêu đào tạo và các công cụ truyền thông. Ở giai đoạn này, nguyên tắc 70 - 20 - 10 được áp dụng phổ biến.

Giai đoạn thiết kế cần được triển khai một cách bài bản và có hệ thống. Tính hệ thống được thể hiện ở phương pháp xác định, phát triển và đánh giá kế hoạch chiến lược một cách có trình tự và mang tính logic. Tính cụ thể, bài bản thể hiện qua việc các yếu tố của việc thiết kế cần được thực hiện với sự chú ý đến tất cả các phần.

Giai đoạn 3: Develop - Phát triển

Đây là giai đoạn bộ phận L&D sáng tạo và thu thập những nội dung đã được đề cập ở giai đoạn thiết kế và cần phải lưu ý giải quyết những vấn đề liên quan đến:

- Danh sách các hoạt động cần triển khai

- Xây dựng kế hoạch phát triển

- Ngân sách cho các hoạt động đào tạo

- Lựa chọn công cụ truyền thông

- Xây dựng và phát triển tài liệu.

Giai đoạn 4: Implementation - Thực thi

Trong suốt giai đoạn Thực thi, bộ phận L&D sẽ quản lý & triển khai toàn bộ kế hoạch theo các chương trình học, kết quả học tập, phương pháp đào tạo và quy trình kiểm tra. 

Hiện nay, có rất nhiều công cụ hỗ trợ cho giai đoạn thực thi của hoạt động đào tạo.

- TRELLO: Một trong những cách tốt nhất để quản lý mô hình ADDIE là TRELLO. Phần mềm này cung cấp những phương pháp theo dõi quá trình một cách có cấu trúc. Đây là cũng là một cách hiệu quả để đính kèm tài liệu vào từng hạng mục cụ thể.

- STORYBOARDING: Những người làm L&D nên sử dụng các mẫu Powerpoint để lên kịch bản cho chương trình. Đây là một công cụ hiệu quả để tạo ra những mẫu tài liệu đơn giản, nhanh chóng và có thể chuyển đổi vào các công cụ tự động.

- LMS: Với một hệ thống quản lý học tập (Learning Management System - LMS), bộ phận L&D có thể dễ dàng tạo ra hoặc tải lên những nội dung khóa học, khóa đào tạo dành cho học viên. Đây là công cụ giúp tận dụng tối đa quá trình làm báo cáo đánh giá về chất lượng của hoạt động đào tạo và tạo ra các bảng khảo sát để nhận phản hồi từ học viên trong suốt quá trình học tập và sau khi khóa học kết thúc. Các thông tin đó sẽ được tổng hợp và phân tích, vì thế các bộ phận có thể liên tục cải thiện kết quả của hoạt động học tập và phát triển.

Giai đoạn 5: Evaluate - Đánh giá

Hiện nay, mô hình Kirkpatrick của Donal Kirkpatrick được ứng dụng nhiều nhất trong triển khai hoạt động đánh giá hiệu quả sau đào tạo. Đây là mô hình gồm 4 cấp độ:

- Cấp độ 1 - Đánh giá những phản ứng của nhân viên sau đào tạo: bao gồm các phản ứng về người hướng dẫn, chương trình học, thời gian học, các phương thức đào tạo,...

Công cụ được sử dụng có thể là các bảnh câu hỏi và đánh giá theo các cấp độ của người học.

-  Cấp độ 2 - Đánh giá về kết quả học tập: Kiểm tra các kiến thức, kỹ năng của người học ngay sau khi kết thúc khóa học.

Bộ phận L&D có thể đưa ra các bài kiểm tra ngay sau khi khóa học kết thúc để kiểm tra kết quả của hoạt động học tập.

- Cấp độ 3 - Đánh giá về thái độ của nhân viên: Đây là cấp độ đánh giá mức độ cải thiện trong kết quả công việc của học viên.

Ở cấp độ này, những người làm công tác đào tạo và phát triển có thể đưa ra các bảng câu hỏi, thực hiện giám sát và phỏng vấn học viên.

- Cấp độ 4 - Đánh giá về kết quả công việc: Cấp độ này đánh giá mức độ cải thiện trong kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

Tại cấp độ này, bộ phận L&D cần dùng đến các công cụ đo lường kết quả công việc để đánh giá hiệu quả của hoạt động đào tạo.

Bài tham khảo: Đánh giá hiệu quả đào tạo theo mô hình Kirkpatrick

Bài tham khảo: Xây dựng nội dung đào tạo E-Learning theo mô hình ADDIE

Học viên Quản trị HRD Academy

Bạn đang lãnh đạo một Doanh nghiệp phát triển? Bạn đang là Giám đốc Nhân sự? Bạn là người phụ trách công tác Đào tạo & Phát triển? Bạn cần một đối tác để phát triển năng lực tổ chức, năng lực đội ngũ? Bộ Chương trình huấn luyện đặc biệt được thiết kế dành riêng cho Doanh nghiệp của Bạn. Được thiết kế bởi các chuyên gia giữ vị trí Quản lý điều hành tại các Tập đoàn hàng đầu và Giảng viên quản trị công ty, Bộ chương trình chứa đựng các bài học kinh nghiệm thực tiễn và chuẩn mực quản trị hiện đại. Xem chi tiết tại ĐÂY 

Hotline: Miền Bắc: 097 345 2082; Miền Nam: 036 423 6082