Với nhiều năm kinh nghiệm nắm giữ các vị trí chủ chốt tại các Tập đoàn lớn, ông Lê Trí Thông, CEO tập đoàn PNJ đã có những chia sẻ thiết thực về quản trị và quản trị sự thay đổi trong doanh nghiệp tại diễn đàn Vietnam HR Summit 2018. Theo ông, có 4 ngộ nhận phổ biến đang ngăn cản các Doanh nghiệp trong tiến trình đổi mới tổ chức. Và dưới đây là 4 ngộ nhận được ông Lê Trí Thông phát biểu tại diễn đàn.
1. Đồng hóa giữa thay đổi và thay thế
Rất nhiều doanh nghiệp quan niệm rằng thay đổi và thay thế là một, giả sử như để thay đổi một bộ phận hay toàn công ty, doanh nghiệp chỉ cần thay đổi một nhà lãnh đạo mới. Song, đây lại là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Ảo tưởng thay thế là thay đổi trở thành một “lời nguyền” cho các doanh nghiệp, khiến cho các nhà lãnh đạo hành động duy ý chí.
Thứ nhất, thay đổi mang nghĩa rộng hơn nhiều thay thế. Thay đổi có nhiều cách hơn, bên cạnh thay thế bộ máy lãnh đạo, doanh nghiệp có thể mang thêm người ngoài vào, cử nhân viên công ty đi đào tạo,...
Thứ hai, doanh nghiệp là một tổ chức con người, chứ không phải cỗ máy đơn thuần. Thay đổi không thể là thay đổi bộ phận mới, mà là thay đổi linh hồn của cả tập thể, giao thoa với nhau bằng tinh thần thay đổi của cả tổ chức. Thay đổi cũng không thể coi như gắn một bộ máy mới vào cơ thể có sẵn mà là tiến hành một cuộc giải phẫu. Và cũng như để tiến hành giải phẫu thành công, trước đó cơ thể cần được bồi bổ, ăn uống đầy đủ cho sức khỏe tốt lên; mỗi doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị thật kĩ trước thay đổi để có thể mang lại một bước tiến chuyển mình cho bản thân mình.
2. Sẽ thắng lớn khi thay đổi
Sai lầm thứ hai mà các doanh nghiệp đang mắc phải là quan niệm để thành công, cần thay đổi trên diện rộng thay vì thay đổi từng chút một, phải làm việc với các tập đoàn đa quốc gia hay các tập đoàn tư vấn hàng đầu,...
Tuy vậy, sự khác biệt về văn hóa (trong khi văn hóa phương Tây thiên về lí trí, văn hóa Á Đông lại trọng tình cảm) khiến áp dụng không phù hợp và thực tế, khoảng cách giữa khả năng với khát vọng của doanh nghiệp,..., khiến cho không phải doanh nghiệp nào thay đổi lớn cũng sẽ thành công.
Để có thể mang lại một sự thay đổi phù hợp và hiệu quả, các doanh nghiệp cần cân bằng giữa mơ ước và khả năng nội tại của công ty, có kế hoạch chi phí cho thay đổi, cân nhắc sự phù hợp với quy mô công ty, phù hợp đặc điểm văn hóa, môi trường bên ngoài…
3. Tư duy và ý thức là quan trọng nhất
Các nhà lãnh đạo thường cho rằng, bước đầu tiên trong tiến trình thay đổi là tác động vào tư duy, ý thức. Trên thực tế, theo quan điểm của ông Lê Trí Thông, điều này chưa hoàn toàn đúng. Bởi con người thay đổi hành động khi bị thúc đẩy trước khi chúng ta có thể thay đổi tư duy của họ.
“Ở PNJ mọi người có khả năng quản lý và triển khai công việc rất tốt, nhưng thường đưa lên trên để lãnh đạo cao nhất ra quyết định, chứ không tự mình quyết định. Mọi chuyện trước đây đều đẩy lên Chủ tịch HĐQT, CEO.
Để tạo ra sự chủ động quyết định, mỗi khi ai đó đưa lên vấn đề gì cho tôi giải quyết, tôi bút phê ngay ở dưới một điểm trừ: ‘Giờ quyền quyết định là của anh chị’. Khi các bạn nhận đủ dấu trừ, sự thay đổi tự khắc diễn ra. Một câu chuyện khác: Có một nhóm sáng tạo trong công ty chuyên làm việc buổi tối, không kiểm soát giờ giấc của mình, dựa vào lý do đó tới hôm sau lại tới công ty muộn lúc 10g sáng, trong khi 7g30 các bộ phận khác đã làm việc. Tôi thay đổi lịch họp từ 7g30, và tự nhiên các bạn ấy đã thay đổi thói quen đó.
Để làm một bánh xe quay, thì bối cảnh hành động quan trọng hơn ý thức, cuối cùng tạo thành thói quen, trở thành văn hóa. Nhờ thế PNJ đã tạo ra môi trường vừa kỷ luật, vừa yêu thương".
Xem thêm: Bài toán "Làm sao để tăng động lực làm việc cho nhân viên?"
4. Tồn tại công thức thành công chung cho sự thay đổi
“Tôi đã nghiên cứu và thử nghiệm rất nhiều lần để tìm ra một công thức thành công chung cho sự thay đổi, nhưng thực sự là chưa tìm thấy. Tuy nhiên, tôi đã nghiệm và rút ra rằng: Tổ chức là một phức hợp hữu cơ, phức hợp tinh thần, nên không thể có mô hình chung cho sự thành công. 70% thay đổi trong tổ chức không tuân thủ một công thức nhất định, mà yêu cầu những nguồn lực, phương pháp, kiến thức cụ thể phù hợp với từng thay đổi.
Giống như câu chuyện bác sĩ phẫu thuật. Có một thực tế là hiện chưa có con robot nào tiến hành mổ thay cho bác sĩ trong các ca phẫu thuật quan trọng dù khoa học kỹ thuật đã tiến rất xa, bác sĩ vẫn phải trực tiếp mổ và kiểm soát các ca phẫu thuật. Để giải phẫu thành công, bác sĩ và ê kíp mổ phải nghiên cứu bệnh án, số đo từng bệnh nhân rất chính xác, kỹ càng”.
Xem thêm: 4 bước từ John Maxwell giúp nhà lãnh đạo quản trị thay đổi hiệu quả
Nguồn: Lê Trí Thông - Tổng Giám đốc PNJ
Tổng hợp và biên soạn bởi Học viện Quản trị HRD Academy
Bạn đang lãnh đạo một Doanh nghiệp phát triển? Bạn đang là Giám đốc Nhân sự? Bạn là người phụ trách công tác Đào tạo & Phát triển? Bạn cần một đối tác để phát triển năng lực tổ chức, năng lực đội ngũ? Bộ Chương trình huấn luyện đặc biệt được thiết kế dành riêng cho Doanh nghiệp của Bạn. Được thiết kế bởi các chuyên gia giữ vị trí Quản lý điều hành tại các Tập đoàn hàng đầu và Giảng viên quản trị công ty, Bộ chương trình chứa đựng các bài học kinh nghiệm thực tiễn và chuẩn mực quản trị hiện đại. Xem chi tiết tại ĐÂY