Đào tạo “lính mới” cho doanh nghiệp là hoạt động vô cùng quan trọng trong việc định hướng cho nhân viên cũng như giành sự trung thành của họ với tổ chức. Vậy nên đào tạo nhân viên mới như thế nào để họ nhanh chóng thích nghi và thể hiện được khả năng trong công việc? Bài viết đem ra 8 lời khuyên để giúp cho việc đào tạo diễn ra hiệu quả hơn.
1. Đặt ra mục tiêu cụ thể
Đặt ra mục tiêu cho nhân viên mới và trao đổi với họ là điều quan trọng trong đào tạo. Việc đặt ra mục tiêu sẽ giúp nhân viên của bạn xác định được những bước tiếp theo trong công việc và những kiến thức cần học, tránh mất thời gian vào việc đặt câu hỏi không cần thiết và cố gắng tìm ra lời giải đáp. Lưu ý là những mục tiêu đặt ra cho nhân viên mới phải thực tế và phù hợp với kinh nghiệm và kĩ năng của họ.
2. Tổ chức các khóa đào tạo
Việc tổ chức các khóa training, hướng dẫn sẽ tạo điều kiện cho các nhân viên được học hỏi nhiều công việc, tạo dựng ra một nguồn nhân lực vững mạnh, ổn định. Bên cạnh đó, đào tạo kĩ năng mềm cũng cần được doanh nghiệp chú trọng và đẩy mạnh để giúp nhân viên phát triển tốt hơn trong sự nghiệp của họ.
Cũng trong quá trình đào tạo đó, bạn có thể có thể phát hiện ra những nhân viên có tiềm năng trở thành một nhà quản lý hoặc làm việc tốt hơn ở các lĩnh vực chuyên môn khác để từ đó định hướng, hỗ trợ cho họ phát triển nghề nghiệp.
Xem thêm: Bí quyết đào tạo để khuyến khích nhân viên phát triển
3. Lắng nghe ý tưởng của họ
Bên cạnh việc tổ chức các khóa đào tạo, đừng quên lắng nghe ý tưởng của họ về cách thực hiện công việc hiệu quả. Bằng việc lắng nghe, nhà quản lý sẽ giúp cho nhân viên mới phát huy được tính sáng tạo và khuyến khích họ không ngừng cải tiến công việc. Nhân viên mới là những người có thể đem đến những phương pháp và cách nhìn mới, những sáng kiến của họ có thể góp phần cải thiện bộ máy của tổ chức. Ngoài ra, nhà quản lý cũng cần cho nhân viên mới thấy được họ là mắt xích quan trọng, đồng thời sẽ là người góp phần xây dựng các hoạt động trong tổ chức, từ đó giúp họ nâng cao trách nhiệm và phát huy năng lực.
4. Đem ra phản hồi thường xuyên
Bước chân vào công việc mới, nhân viên của bạn đặc biệt cần những phản hồi thường xuyên từ sếp để điều chỉnh những sai sót hằng ngày trước khi nó biến thành thói quen. Bên cạnh đó, tốn thời gian vào những sai sót này sẽ ngăn cản nhân viên của bạn học tập những kĩ năng mới. Vì vậy, hãy theo dõi và thường xuyên đem ra phản hồi cho họ. Đặc biệt, nhà quản lý cần đảm bảo những phản hồi này mang tính tích cực, tập trung vào đánh giá công việc, tránh phê phán trực tiếp nhân viên.
Xem thêm: Sức mạnh bất ngờ đến từ những phản hồi của lãnh đạo
5. Làm quen với các phòng ban khác và văn hóa chung của công ty
Việc giúp nhân viên mới làm quen với các phòng ban, quy định của công ty cũng như các vị trí trọng yếu là điều vô cùng quan trọng. Bởi việc này giúp nhân viên mới có một cái nhìn tổng quan về doanh nghiệp, bao gồm: lịch sử thành lập và hoạt động của công ty, các quy định, nguyên tắc, chính sách đối với nhân viên, chức năng của các phòng ban. Lãnh đạo nên cử người hướng dẫn họ làm quen, tìm hiểu công việc của các phòng ban khác nhau, để từ đó giúp họ hiểu được vai trò của mình trong bộ máy là như thế nào.
6. Tạo sự kết nối giữa các nhân viên mới và cũ
Khi một người mới gia nhập nhóm hay phòng của bạn, điều tất nhiên là giới thiệu họ với mọi người. Không nên chỉ dừng lại ở việc giới thiệu tên và những thông tin cá nhân, mà cần mở rộng việc giới thiệu thành một cuộc trò chuyện, thân mật, thoải mái.
Chắc chắn các nhân viên mới sẽ gặp khó khăn trong việc ghi nhớ tên, vị trí, công việc của tất cả mọi người trong phòng. Vì vậy, bạn nên lập một danh sách các địa chỉ liên lạc quan trọng cùng tên, chức vụ, vai trò của những người làm việc với họ. Điều này vô cùng hữu ích để giúp họ ghi nhớ và tạo dựng các mối quan hệ trong tương lai.
Xem thêm: Làm sao để xây dựng sự đồng thuận trong đội nhóm?
7. Cung cấp các nguồn lực cần thiết
Để giúp nhân viên mới hòa nhập nhanh và sẵn sàng cho công việc, bạn nên lập một danh sách những nguồn lực, thiết bị cần thiết như báo cáo hàng năm, các mạng nội bộ công ty, trang chủ hay bất kỳ tài liệu cho các dự án, kế hoạch gần đây của phòng. Việc tìm hiểu các thông tin từ các năm trước sẽ giúp họ có một cái nhìn tổng quát về kế hoạch, mục tiêu hoạt động của phòng ban.
8. Luôn sẵn sàng giúp đỡ
Cuối cùng, hãy nhớ rằng bất cứ ai khi bắt đầu một công viêc mới thì sẽ không tránh khỏi những bối rối hoặc thất vọng. Vì vậy, hãy luôn sẵn sàng giúp đỡ khi họ gặp khó khăn, cần giúp đỡ. Hãy dành thời gian để giúp nhân viên mới cảm thấy được chào đón, thoải mái và được ủng hộ. Bạn nên nhớ rằng: thời gian, công sức bạn đầu tư càng nhiều thì bạn sẽ càng nhanh chóng có một thành viên mới đầy năng nổ, hữu ích và trung thành trong công việc.
Tham khảo ngay Bộ chương trình chuẩn phát triển Năng lực đội ngũ
Tham khảo khóa đào tạo “Hệ thống BSC - KPIs: Từ chiến lược đến quản trị hiệu quả công việc"
HRD Academy - Học viện nhân sự và quản trị