Growth mindset và Fixed mindset - Thay đổi tư duy như thế nào để tiến nhanh trong công việc?

“Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn.” Hẳn câu nói này không còn xa lạ gì với chúng ta. Câu nói cổ động bạn hãy kiên trì với mục tiêu và không từ bỏ đam mê, nhưng hoàn toàn không chỉ cho bạn cách phải “làm thế nào?”. Khác với những câu nói self-help có phần đơn thuần là cổ động, một nghiên cứu của các nhà tâm lý học đã chỉ rõ ra tiềm năng của con người tác động đến thành công của họ như thế nào. Và đặc biệt, nghiên cứu này nhấn mạnh, tiềm năng có thể thay đổi theo kỹ năng, theo thời gian, không phải chỉ đơn giản là khả năng bị giới hạn.

Những kết luận này được đúc kết rõ ràng nhất trong một nghiên cứu của nhà tâm lý học Carol Dweck đến từ Đại học Stanford, đặt trong mối quan hệ so sánh giữa 2 khái niệm: tư duy cố định (fixed mindset) và tư duy tăng trưởng (growth mindset). Vậy cụ thể, 2 khái niệm này ảnh hưởng đến sự thành công của mỗi người như thế nào?

Tổng quan về nghiên cứu của Carol Dweck:

Trong một nghiên cứu chuyên đề, Dweck và các đồng nghiệp của bà đã đưa ra 2 lựa chọn cho những đứa trẻ 4 tuổi: chúng có thể chơi lại một câu đố xếp hình dễ hoặc thử một câu khó hơn. Kết quả cho thấy rằng:

Những đứa trẻ thuộc nhóm tư duy cố định lựa chọn cách an toàn, chọn câu dễ hơn để xác nhận cho khả năng đã có của chúng. Trong khi đó, những đứa trẻ với tư duy “tăng trưởng” luôn muốn thử thách bởi những câu đố khó hơn và không ngừng đặt câu hỏi: “Tại sao lại phải chơi cùng một trò mà chả học thêm được bất kỳ điều gì mới?” Điều này củng cố thêm cho nhận định: những đứa trẻ với tư duy cố định muốn đảm bảo rằng chúng thành công để được coi là thông minh, trong khi những đứa trẻ với tư duy tăng trưởng luôn muốn trau dồi để trở nên thông minh hơn.

Cũng qua nghiên cứu này, Carol Dweck đã rút ra kết luận chung như sau:

1. Một người có “tư duy tăng trưởng” (growth mindset) thành công hơn qua thử thách và xem thất bại không phải là bằng chứng của sự không thông minh. Thất bại chính là bước đệm cổ vũ cho sự tăng trưởng và mở rộng những khả năng đang có.

2. Những người tin vào tài năng của họ có thể được phát triển (thông qua làm việc chăm chỉ, chiến thuật tốt và sự hỗ trợ của những người khác) sở hữu tư duy tăng trưởng. Họ có xu hướng đạt được nhiều hơn những người có tư duy cố định (những người mà tin rằng tài năng của họ là bẩm sinh). Đó là bởi vì họ đã dồn hết năng lượng vào sự học hỏi và ít lo lắng hơn về việc chứng minh sự thông minh của mình.

Xem thêm: 7 bí quyết hiệu suất của Elon Musk, ông chủ của SpaceX và Tesla

Tư duy tăng trưởng và tư duy cố định khác nhau như thế nào?

Hai hướng tư duy này được bộc lộ từ khi còn bé, ảnh hưởng đến quá trình học tập và phát triển của một con người. Lớn lên, nếu không thay đổi, hai hướng tư duy tiếp tục định hình thành công và sự nghiệp của họ.

1. Quan điểm về sự thành công: 

  • Tư duy cố định: muốn chắc chắn rằng họ sẽ luôn thành công.Quan điểm về sự thành công.
  • Tư duy tăng trưởng: xem sự thành công là minh chứng cho việc họ đã trở nên thông minh, năng lực được nâng lên cao hơn mỗi ngày. Và họ chấp nhận rằng, sự thành công không phải thứ tồn tại mãi mãi.

2. Quan điểm về sự phát triển:

  •  Tư duy cố định: Họ nghĩ bản thân đang phát triển khi mọi thứ nằm trong khả năng xử lý của họ. Khi đối mặt với thử thách, họ sẽ mất hết cảm hứng vì nó mang lại cho họ suy nghĩ “mình không đủ khả năng”.
  • Tư duy tăng trưởng: Họ sẽ phát triển hơn khi đối mặt và giải quyết thử thách. Họ thực sự ưa thích thách thức vì sau mỗi lần vượt qua, họ sẽ học được nhiều điều giúp họ phát triển.

 3. Quan điểm về sự tiềm năng:

  • Tư duy cố định: Họ làm theo những ý tưởng họ có thể kiểm định và thể hiện khả năng của họ tại thời điểm hiện tại, đồng thời lên kế hoạch phát triển tiềm năng nhưng là ở một thời điểm chắc chắn trong tương lai.
  • Tư duy tăng trưởng: Họ xem tiềm năng đến từ việc hết mình trau dồi khả năng hiện tại từng ngày. Họ không ấn định thời gian cho sự phát triển tiềm năng của mình, vì tiềm năng được quyết định bởi quá trình, không phải là thời điểm.

4. Quan điểm về sự thất bại:

  • Tư duy cố định:  Thất bại thể hiện họ thiếu khả năng
  • Tư duy tăng trưởng: Thất bại có thể là một trải nghiệm không mấy dễ chịu, nhưng nó không khẳng định bạn là ai mà chỉ là dấu hiệu cho việc bạn cần trau dồi khả năng nhiều hơn nữa để phát triển mà thôi.

5. Quan điểm sự nỗ lực:

  • Tư duy cố định: Họ nghĩ sự nỗ lực là điều xấu vì nó chứng tỏ bạn không thông minh, không tài năng.
  • Tư duy tăng trưởng: Sự nỗ lực là minh chứng cho việc bạn đang cố gắng và phát triển hơn mỗi ngày. Để ít ra, khi hoàn thành xong một công việc nào đó, bạn có thể nhìn lại và vui vẻ mỉm cười vì: “Dù sao mình cũng đã cố gắng hết sức.”

Tóm lại, tư duy cố định cho rằng khả năng, sự thông minh là thứ có sẵn, thuộc về năng khiếu và không thể phát triển thêm nữa. Vì thế, những người có loại tư duy này luôn sợ thất bại và né tránh rủi ro vì điều đó làm họ nghĩ bản thân họ không có năng lực.

Ngược lại, tư duy tăng trưởng nhận định khả năng và năng lực không tự nhiên mà có và hoàn toàn có thể trau dồi để tốt hơn mỗi ngày. Họ ưu thích thử thách và luôn sẵn sàng đứng lên sau thất bại vì sau những lần như thế, bản thân họ được phát triển hơn và tăng khả năng đến với thành công nhiều hơn.

Xem thêm: Mô hình 5S - Nền tảng quản lý sản xuất hiệu quả

Tư duy tăng trưởng ảnh hưởng đến hoạt động trong doanh nghiệp như thế nào?

Một công ty nếu chỉ chú ý đến kết quả mà không chú trọng đến quá trình, sẽ khó có thể giúp nhân viên phát triển. Khi đó, ai giỏi thì vẫn sẽ mãi giỏi ở mức độ của họ, còn những người kém hơn sẽ luôn nghĩ rằng, mình không thể giỏi như các đồng nghiệp xuất sắc nhất. Một công ty chỉ dừng lại ở tư duy cố định thì nhân viên ở môi trường đó thường tìm cách “chơi xấu” nhau và không hề có sự tin tưởng.

Ngược lại, khi tất cả các công ty đều thúc đẩy tư duy tăng trưởng thì nhân viên sẽ cảm thấy được tự do và gắn bó hơn. Họ cũng nhận được sự hỗ trợ lớn hơn từ phía tổ chức để hợp tác và cải tiến. Mà sức mạnh của công ty được hình thành từ sức mạnh tập thể, nếu mỗi người không ngừng cố gắng phát triển thì cả tập thể sẽ luôn tiến lên.

Thay vì chỉ trao thưởng cho những nhân viên xuất sắc nhất, việc trao thưởng cho những nhân viên tiềm năng hoặc nhân viên có sự tiến bộ nhanh nhất cũng đặc biệt quan trọng. Đó là phần thưởng cho những người luôn khao khát sự phát triển.

Xem thêm: Quản lý sản xuất tối ưu bằng hệ thống quản lý chất lượng toàn diện TQM

Làm thế nào để rèn luyện tư duy tăng trưởng cho cá nhân và doanh nghiệp?

Thay đổi cách tư duy không phải việc dễ dàng, nhưng tất cả đều có thể hình thành nhờ thói quen. 5 tips dưới đây sẽ giúp bạn điều đó:

  1. Lắng nghe chủ động và đưa ra ý kiến: Việc bạn lắng nghe với sự chú ý cao nhất cho thấy bạn tôn trọng người đối diện và mong muốn được học hỏi để hoàn thiện chính bạn. Lắng nghe chủ động cũng đồng nghĩa với việc bạn không ngần ngại khi bị người khác chỉ ra điều mình làm chưa tốt. Bạn chấp nhận và sẵn sàng sửa chữa.

  2. Không ngừng học tập: Trở thành một người học cả đời là nền tảng giúp bạn phát triển một tư duy rộng mở hơn. Đây cũng là tiền đề giúp bạn hình thành một tư duy tăng trưởng bền vững. Đào sâu nghiên cứu, chủ động tìm hiểu những gì chưa biết và khổ luyện đến mức người khác không thể lờ bạn đi. Luôn ở tâm thế “người học” và không bao giờ ngừng học.

  3. Suy nghĩ tích cực: Thực tế, mọi vấn đề đều có thể có cách giải quyết, hoặc từ chính bạn hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ của mọi người. Chính sự tiêu cực của bạn là rào cản giúp bạn phát triển hơn. Thay vì nghĩ “Mình không đủ khả năng làm nhiệm vụ này, mình sẽ thất bại sớm thôi”, hãy thử nghĩ “Làm thế nào để thực hiện nhiệm vụ này tốt nhất, nếu mình thất bại thì ít ra mình đã thử cố gắng và kiểu gì cũng sẽ học được thêm vài kiến thức mới.” Vì vậy, đừng quá tiêu cực nếu bạn rơi vào hoàn cảnh bất lợi. Thay vào đó, hãy cố gắng nghĩ về những điều tích cực và từng bước vượt qua trở ngại.

  4. Chia nhỏ mục tiêu và từng bước thực hiện: Đạt được từng mục tiêu nhỏ sẽ mang đến cho bạn động lực và cảm hứng để cố gắng tiếp. Bạn có thể đặt mục tiêu theo ngày, tuần, tháng, quý hoặc theo từng giai đoạn phù hợp với khả năng của bạn.

  5. Tập suy nghĩ theo hướng “Mình không cần cạnh tranh với bất kỳ ai, hãy tốt hơn bản thân mình của ngày hôm qua”:

Bản chất của việc tư duy tăng trưởng là học hỏi từng ngày để không ngừng phát triển đi lên. Nếu bạn quá chú trọng vào kết quả, tâm trí bạn sẽ luôn chỉ tập trung băn khoăn xem “Mình có thành công không? Mọi người sẽ nghĩ gì về việc mình làm?” mà không có thời gian để ý đến quá trình và học hỏi từ những thất bại. Điều quan trọng nhất là tự phát triển bản thân hơn bạn ngày hôm qua, từng chút một cố gắng tiến lên.

Xem thêm: 8 sách lược để đào tạo và phát triển nhân sự xuất sắc

Tạm kết:

Tư duy tác động rất lớn đến động lực của con người. Những người có tư duy tăng trưởng thường có tỷ lệ thành công cao hơn vì họ luôn có xu hướng phát triển, không ngại thử thách với niềm tin rằng họ hoàn toàn có thể phát triển hơn nữa. Từ đó, họ không ngừng khám phá năng lực tiềm ẩn của bản thân. Việc thay đổi tư duy chính là chìa khóa giúp bạn thay đổi thái độ và tinh thần khi làm bất kỳ một công việc nào.

 

Học viên Quản trị HRD Academy

Bạn đang lãnh đạo một Doanh nghiệp phát triển? Bạn đang Giám đốc Nhân sự? Bạn người phụ trách công tác Đào tạo & Phát triển? Bạn cần một đối tác để phát triển năng lực tổ chức, năng lực đội ngũBộ Chương trình huấn luyện đặc biệt được thiết kế dành riêng cho Doanh nghiệp của Bạn. Được thiết kế bởi các chuyên gia giữ vị trí Quản điều hành tại các Tập đoàn hàng đầu Giảng viên quản trị công tyBộ chương trình chứa đựng các bài học kinh nghiệm thực tiễn chuẩn mực quản trị hiện đại. Xem chi tiết tại ĐÂY 

Hotline: Miền Bắc: 097 345 2082; Miền Nam: 036 423 6082