Ngày 10/6/2020, chương trình chia sẻ với chủ đề “Xây dựng Văn hóa học tập hiệu quả” đã diễn ra thành công với sự tham gia chia sẻ của hai diễn giả có nhiều năm kinh nghiệm xây dựng & phát triển Văn hóa học tập tại nhiều đơn vị lớn: Ông Dương Thanh Sơn - Chuyên gia cao cấp của HRD Academy - người có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực L&D, từng giữ vị trí phụ trách đào tạo & phát triển tại nhiều đơn vị quy mô lớn trong nước & quốc tế như Giám đốc đào tạo Ngân hàng Eximbank, VIB, Sacombank, Giám đốc Trung tâm đào tạo BigC Academy, Giám đốc toàn quốc về phát triển năng lực bán hàng Coca-cola Việt Nam... và Ông Hoàng Trung Thiên Vương - Co-founder và CMO của Base.vn- đơn vị phát triển từ ban đầu lên 250 người trong 3 năm và tăng trưởng doanh thu x5 lần mỗi năm.
Buổi chia sẻ với sự tham gia của gần 200 anh chị CEO và các anh chị quản lý doanh nghiệp trên khắp Việt Nam trong tổng thời gian 150 phút với cấu trúc ba phần: Văn hóa học tập trong tổ chức, Câu chuyện văn hóa học tập tại Base.vn và Q&A giải đáp trực tiếp. Chương trình nằm trong chuỗi workshop online hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hoạt động quản trị và phát triển tổ chức do Học viện Quản trị HRD Academy & Base.vn tổ chức.
Phần I: Xây dựng văn hóa học tập tại doanh nghiệp
1. Vai trò của văn hóa học tập trong tổ chức
“Những thứ khiến tổ chức chúng ta thành công trong quá khứ và hiện tại không đảm bảo cho sự thành công của tổ chức trong tương lai. Nên chúng ta phải nhanh chóng thích nghi.”
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp đang sống trong kỷ nguyên của thời đại số - khi mà chỉ có 12% công ty trong danh sách Fortune 500 từ 1955 còn hoạt động và chỉ trong năm 2019, 26% công ty không còn hiện diện trong danh sách này. Câu hỏi luôn được đặt ra “Làm thế nào để tồn tại được trong môi trường kinh doanh đầy khắc nghiệt này?”. Qua chia sẻ của ông Dương Thanh Sơn, chính việc học tập nhanh hơn đối thủ cạnh tranh là chìa khóa cho vấn đề trên. Các phân tích của Bersin (Deloitte) cho thấy, các hình thức học tập đã thay đổi rất lớn trong hai thập kỷ qua. Vì thế, nếu doanh nghiệp chưa có kế hoạch phát triển hoạt động L&D phù hợp thì sẽ nhanh chóng bị tụt lại phía sau.
2. Xu hướng phát triển của văn hóa học tập
Hiện nay, tại Việt Nam, văn hóa học tập chỉ chú trọng đến việc tham gia học tập qua hình thức học tập chính thức và không chính thức. Xu hướng dịch chuyển của văn hóa học tập trên thế giới đang chuyển sang Văn hóa học tập hiệu quả (Productive Learning Culture) với các yếu tố chính:
- Lựa chọn trực tiếp
- Xây dựng người học
- Dẫn dắt việc chia sẻ vai trò học tập.
Tại buổi seminar, ông Dương Thanh Sơn đã chia sẻ video về văn hóa học tập của Tổ chức Hiệp hội Ngân hàng ở Thụy Sỹ. Đó là minh chứng rõ ràng cho việc các tổ chức lớn đang phát triển Văn hóa học tập như thế nào. Họ để nhân viên tự động đăng ký các khóa học phù hợp với nhu cầu thông qua một hệ thống của doanh nghiệp và việc học gắn liền với công việc thực tế. Bên cạnh đó, theo sát các nhân viên luôn có một người đóng vai trò coaching để hỗ trợ trực tiếp trong công việc. Trong quá trình học, nhân viên luôn cần sự tương tác với đồng nghiệp và yêu cầu cuối cùng là họ phải vượt qua bài kiểm tra cuối mỗi khóa học. Tất cả mọi trải nghiệm người học đều được công nghệ hỗ trợ tối đa theo thời gian thực.
3. Mô hình Văn hóa học tập hiệu quả
Mô hình xây dựng Văn hóa học tập là sự giao thoa của cả ba yếu tố “Cơ hội học tập, Khả năng học tập và Môi trường học tập”. Người nhân viên có thể tự lựa chọn các khóa học có liên quan trực tiếp đến công việc hằng ngày và dễ dàng đáp ứng các thay đổi của thị trường.
Hoạt động Văn học học tập, muốn thành công và đem về nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và người nhân viên cần có sự hợp tác của bốn bên:
- Lãnh đạo cấp cao: đây sẽ là đối tượng khởi xướng văn hóa học tập trong tổ chức và có định hướng cụ thể cho đào tạo của các phòng ban. Các anh chị lãnh đạo cấp cao sẽ là cầu nối giữa trung tâm đào tạo và các phòng ban khác và sẽ là người duyệt các ngân sách và cơ chế cho giảng viên nội bộ. Sau các hoạt động đào tạo, ban lãnh đạo cấp cao sẽ có những phản hồi định kỳ cho hoạt động đó.
- Trung tâm đào tạo: đóng vai trò thúc đẩy học tập và thu hút tất cả các bên tham gia xây dựng và thúc đẩy hoạt động hiệu quả. Đây sẽ là nguồn lực thực hiện các hoạch định chính của đào tạo.
- Quản lý trực tiếp: là trung gian, đóng vai trò theo dõi và đánh giá mọi tác động của đào tạo lên nhân viên. Nhân viên cần đào tạo gì, quản lý trực tiếp sẽ lên kế hoạch đào tạo để đáp ứng yêu cầu đó. Sau hoạt động đào tạo, người quản lý trực tiếp sẽ hỗ trợ nhân viên áp dụng kiến thức đó vào việc thực hiện mục tiêu của tổ chức và nâng cao kết quả kinh doanh.
- Học viên: đây là đối tượng hiểu rõ nhu cầu đào tạo cho vị trí đang đảm nhiệm. Hoạt động học tập chỉ thành công khi học viên tham gia tích cực vào các hoạt động đào tạo và chủ động áp dụng vào công việc thực tiễn. Từ đó, thực hiện truyền thông nội bộ hiệu quả cho việc phát triển Văn hóa học tập.
Đây là bốn đối tượng luôn cần có trong hoạt động L&D của doanh nghiệp. Mỗi đối tượng có những vai trò khác nhau nhưng kết quả cuối cùng đều hướng đến sự hiệu quả của các khóa đào tạo.
Link tài liệu tham khảo: Chiến lược Xây dựng Văn hóa học tập trong Doanh nghiệp
4. Case study điển hình của tổ chức học tập tốt tại Việt Nam
Tại buổi chia sẻ, ông Dương Thanh Sơn đã chia sẻ case study tiêu biểu cho việc xây dựng Văn hóa học tập hiệu quả là câu chuyện của Sacombank. Theo ông Sơn, tại Sacombank, Ban lãnh đạo luôn có một câu hỏi khi cân nhắc thăng chức cho bất cứ nhân sự nào “Nếu anh chị được thăng chức, anh chị sẽ chọn ai để thay thể vị trí hiện tại và kế hoạch đào tạo người đó để đáp ứng công việc như thế nào?”. Ở Sacombank có chương trình Giám đốc chi nhánh lưu động sẽ thực hiện đánh giá tại các chi nhánh khác nhau và ban lãnh đạo sẽ dành 2 ngày để nghe báo cáo từ về hoạt động đó. Tại đây, những thông tin về việc tổ chức đào tạo và việc gắn với kết quả kinh doanh luôn được coi trọng hơn số giờ và số khóa đào tạo. Điều quan trọng nhất được ban lãnh đạo luôn nhấn mạnh “Việc đào tạo cần phải gắn với kết quả kinh doanh”.
Phần II: Câu chuyện Văn hóa học tập tại Base.vn
1. Cách văn hóa học tập thay đổi doanh nghiệp
Với câu chuyện của Base.vn, ông Hoàng Trung Thiên Vương có chia sẻ “Văn hóa học tập trả lời cho rất nhiều câu hỏi của doanh nghiệp” bởi công nghệ đang thay đổi từng ngày và nó gắn liền với bài toán về năng suất và tối ưu chi phí. Việc học tập trong doanh nghiệp còn quay lại để phục vụ lợi ích của nhân viên trên con đường thăng tiến. Điều này sẽ giúp nhân viên có động lực cao hơn trong các hoạt động học tập.
2. Cách thức xây dựng văn hóa học tập của doanh nghiệp trong giai đoạn tăng trưởng X5
Base.vn đã áp dụng nhiều hình thức để phát triển văn hóa học tập khi có chiến lược mở rộng quy mô. Đây là một case study mang tính thực tiễn rất lớn.
- Văn hóa học tập cần “Start from the Top”: Người đóng vai trò quyết định đến thành công của hoạt động này tại doanh nghiệp là ban lãnh đạo và cấp quản lý. Các CEO, C-Level và các Managers phải là những người mang tính hình mẫu và truyền tải văn hóa học tập từ họ xuống phần còn lại của doanh nghiệp. Nhân viên sẽ có tác động trực tiếp từ những việc mà ban lãnh đạo đã làm. Từ đó, nhân viên sẽ chủ động tham gia các hoạt động học tập.
- “Xây dựng văn hóa học tập theo mục tiêu của Doanh Nghiệp”: Tinh thần văn hóa học tập của tổ chức được kế thừa, từ đó mỗi phòng ban xây dựng ra những kế hoạch học tập và kế hoạch phát triển đáp ứng tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp. Ví dụ, để phát triển quản lý cấp trung tạo ra thế hệ kế cận, doanh nghiệp cần tập trung vào phát triển kỹ năng lãnh đạo, quản lý nhân sự và đào tạo con người.
-”Giữ gìn và phát triển văn hóa học tập”: Dựa trên các chính sách, cơ chế, môi trường để việc học tập và phát triển luôn được tạo điều kiện và phát huy. Nếu có kết quả tốt sau đào tạo, ban quản lý cần đưa ra những chính sách thành tích và thăng tiến phù hợp cho cá nhân. Ví dụ, công ty đang có chiến lược hợp tác với khách hàng ở Nhật Bản, nhân viên cần phải biết tiếng Nhật. Sau khi kết thúc chương trình đào tạo, người nhân viên thi được chứng chỉ N2, N1 thì cấp lương sẽ ngay lập tức được tăng lên.
Với chiến lược của một công ty công nghệ, Base.vn rất chú trọng vào hoạt động học tập và phát triển cho nhân viên để có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và những thay đổi về công nghệ của thời đại số. Chương trình Base Sharing được tổ chức hàng tuần với nội dung chính là buổi chia sẻ giữa các anh chị đã có nhiều kinh nghiệm với đội ngũ kế cận của phòng ban đó.Việc này giúp các nhân viên mới tiếp cận các case study thực tế về tư vấn công nghệ cho giáo dục, tư vấn công nghệ trong lĩnh vực FMCG, tư vấn cho doanh nghiệp truyền thống. Mô hình Sharing này đã giúp cho các nhân viên của Base.vn rút ngắn được thời gian làm việc với khách hàng và giảm thời gian từ 2-3 tháng xuống chỉ trong vòng 1 tháng. Điểm đặc biệt của Base Sharing là quy mô linh hoạt, có thể là toàn tổ chức, trong nội bộ phòng ban hoặc chéo các phòng ban với nhau.
Mô hình Base Test Center được tổ chức tập trung sau mỗi khóa học. Nếu nhân viên không vượt qua những bài kiểm tra này, họ có thể sẽ tạm dừng hoạt động tại công ty và cần thời gian để tiếp tục học tập và thực hành. Social Learning - Base Square phù hợp với các môi trường trẻ, năng động và liên tục thay đổi. Mô hình này sẽ giúp thông tin được cập nhật liên tục online, tăng sự tương tác hai chiều. Trong quá trình tư vấn cho khách hàng, có những vấn đề nhân viên chưa được training nhưng cần có sự hỗ trợ thì Base Square là một mô hình hiệu quả. Digitizing Knowledge - Base Wiki là mô hình giúp ghi lại và tích trữ tri thức doanh nghiệp, tổ chức tài nguyên và khuyến khích nhân viên đóng góp vào kho tài liệu một cách hiệu quả. Mỗi khoảng thời gian nhất định, các phòng ban cần đưa ra những case study tiêu biểu nhất để làm thành bộ tài liệu được chuẩn hóa và phát hành nội bộ. Không gian học tập cũng được Base.vn chú trọng, được thiết kế tạo cảm giác thoải mái cho nhân viên, kết hợp với thuê ngoài các địa điểm để tổ chức buổi học cho nhân viên.
Phần III: Hỏi - đáp về các vấn đề liên quan đến Xây dựng Văn hóa học tập hiệu quả
1. Hỏi: Làm thế nào khi doanh nghiệp chỉ tập trung vào doanh thu, nhân viên cảm thấy bị ép buộc đi học?
Đáp:
- Xây dựng khung năng lực cụ thể cho từng vị trí công việc
- Tổ chức đào tạo theo thứ tự ưu tiên theo kế hoạch chiến lược và kế hoạch kinh doanh
- Đặt KPI cho các bộ phận quản lý. Ví dụ: tạo kế hoạch tổ chức đào tạo trong phòng ban và đưa ra thời gian tự đứng lớp của vị trí quản lý hoặc trong vòng 3 - 6 tháng, cần bao nhiêu nhân sự lên được cấp bậc mới.
2. Hỏi: Doanh nghiệp không có lợi thế công nghệ thì xây dựng Văn hóa học tập như thế nào?
Đáp:
- Sử dụng các phương pháp truyền thống:
Mô hình sharing được diễn ra dưới hình thức các anh chị nhiều kinh nghiệm chia sẻ thông tin, kiến thức và case study cho các nhân viên trẻ hơn để hạn chế tối đa những sai sót và rút ngắn thời gian tạo ra doanh thu. Doanh nghiệp có thể sử dụng mô hình Coaching, Mentoring để đào tạo những nhân viên hằng tuần hoặc hàng tháng.
- Ứng dụng công nghệ cơ bản: Sử dụng những công cụ phổ biến ngày nay. Ví dụ, Drive đang là công cụ tiện dụng, được sử dụng nhiều trong doanh nghiệp. Các phòng ban có thể sử dụng tiện ích này để tổng hợp và cập nhật tài liệu. Điều quan trọng nhất khi ứng dụng những tiện ích phổ biến này là việc cập nhật liên tục và có hệ thống.
3. Hỏi: Bộ phận back-office không trực tiếp tạo ra doanh thu thì sử dụng phương pháp nào để đo lường hiệu quả và xây dựng KPI đánh giá như thế nào?
Đáp:
- Xác định các nhân tố chính cần phát triển trước. Thông thường, để đánh giá chất lượng của khối, bộ phận này là chất lượng dịch vụ và thời gian quản lý và phản hồi. Khách hàng của dịch vụ này chính là các nhân viên trong nội bộ. Sau các khóa đào tạo, chất lượng cung cấp dịch vụ của nhân viên đó ra sao và thời gian có được rút ngắn hay không. Bộ phận L&D cần có những bài khảo sát trước để làm cơ sở so sánh. Ví dụ: Đối với bộ phận Bán hàng thì người làm công tác L&D cần đánh giá chất lượng bán hàng, có đạt KPI hay không và thời gian bán được hàng có được cải thiện không.
- Để xây dựng được KPI, người làm công tác đào tạo đi cùng với HRBP cần tiếp cận với Giám đốc kinh doanh và hỏi về nhân viên làm tốt nhất, nhân viên chưa tốt nhất, từ đó tìm ra khoảng cách về kiến thức và kỹ năng. Ví dụ, tác động của L&D đến kết quả kinh doanh trong ngành FMCG là 25 - 35%.
4. Hỏi: Làm như thế nào để xây dựng văn hóa học tập của một doanh nghiệp có nhiều chi nhánh và phần lớn là lao động phổ thông
Đáp:
- Ban điều hành cần xác định và truyền thông rõ chiến lược sắp tới và cân nhắc xem hoạt động học tập có cần thay đổi gì không, các hình thức hiện tại đã hiệu quả chưa?
Đối với các hình thức trao đổi đơn giản, doanh nghiệp có thể dùng Zalo và Drive, tận dụng những thứ sẵn có để phát triển hoạt động học tập.
- Doanh nghiệp chỉ nên thay đổi khi chiến lược của năm tới có sự thay đổi. Ví dụ, doanh nghiệp có định hướng chuyển đổi số và cần sử dụng nhiều platforms. Từ đó, nhân viên sẽ có mong muốn đi học cao hơn.
5. Hỏi: Làm gì khi chính ban lãnh đạo chưa tập trung cho công tác học tập và phát triển?
Đáp:
- Làm báo cáo và chuyển sang người quản lý của bộ phận kinh doanh để thấy hoạt động đào tạo có góp phần cải thiện kết quả kinh doanh.
- Trưởng phòng kinh doanh trình bày kết quả này với Ban lãnh đạo.
- Lưu ý trong cách dùng từ. Ví dụ, chúng ta không nên dùng từ chi phí đào tạo mà nên dùng cụm từ “ngân sách đầu tư đào tạo”
- Thuyết phục ban lãnh đạo để cùng tham gia và các cuộc họp hoạch định chiến lược. Hoạt động đào tạo sẽ chỉ có kết quả khi đi đúng với hướng với chiến lược.
Tham khảo thêm: Báo cáo ngành L&D Việt Nam 2019.
Bạn đang lãnh đạo một Doanh nghiệp phát triển? Bạn đang là Giám đốc Nhân sự? Bạn là người phụ trách công tác Đào tạo & Phát triển? Bạn cần một đối tác để phát triển năng lực tổ chức, năng lực đội ngũ? Bộ Chương trình huấn luyện đặc biệt được thiết kế dành riêng cho Doanh nghiệp của Bạn. Được thiết kế bởi các chuyên gia giữ vị trí Quản lý điều hành tại các Tập đoàn hàng đầu và Giảng viên quản trị công ty, Bộ chương trình chứa đựng các bài học kinh nghiệm thực tiễn và chuẩn mực quản trị hiện đại. Xem chi tiết tại ĐÂY